2 tỷ đồng là con số doanh thu ấn tượng mà chàng kiến trúc sư trẻ Đỗ Nguyễn Anh Quý đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020.
- Top 10 phong cách nội thất thịnh hành nhất cuối năm 2020
- Hà Nội: Độc đáo căn hộ không tường, ngăn chia không gian bằng nội thất tích hợp
- Bí quyết tiết kiệm hàng chục triệu khi mua nội thất tháng cô hồn
Ở thời điểm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ “lao đao” trước đại dịch Covid-19 thì Quý lại quyết định tận dụng thời điểm này để thay đổi bản thân, tìm hướng đi mới trong lĩnh vực thiết kế.
Khi xã hội chuyển từ giai đoạn “ăn đủ, mặc đủ” sang “ăn ngon, mặc đẹp” thì việc cải tạo không gian sống trở thành “nơi ở đẹp” cũng là một xu hướng tất yếu và ngày càng phổ biến.
“Trước thời điểm dịch mình đã bắt đầu thực hiện các công trình cải tạo nhà ở. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mình có chia sẻ hình ảnh “before – after” của các công trình đó lên mạng xã hội và thật bất ngờ khi nhận được sự yêu thích, chia sẻ rộng rãi của mọi người. Số lượng khách muốn được tư vấn thiết kế tăng đột biến”, Anh Quý chia sẻ.
Thế là trong lúc nhiều người ở nhà phòng dịch, Anh Quý lại “dồn toàn lực” để thực hiện các dự án “thổi hồn cho nhà cũ”.
Hầu hết những ngôi nhà trước khi cải tạo đều trong tình trạng xuống cấp: nhẹ thì thấm dột, ẩm mốc, nặng thì sụt lún, nghiêng tường; kết cấu chật hẹp, bất hợp lý. Việc cải tạo không hề dễ so với xây dựng nhà mới. Cải tạo nhà đòi hỏi quy trình thi công vừa phải đáp ứng các quy định về an toàn, chất lượng công trình mà vừa phải đẹp về mặt thẩm mỹ.
“Mỗi ngôi nhà đều là một đề bài mới dành cho mình, không nhà nào giống nhà nào. Trước tiên mình phải phân tích được cho khách hàng hiểu sự khác biệt, ưu điểm – nhược điểm của việc xây mới và cải tạo.
Sau đó, mất không ít thời gian để khảo sát tình trạng ngôi nhà mới có thể đưa ra phương án cải tạo hợp lý nhất”, Quý cho biết.
Bên cạnh đó, Quý cũng tìm hiểu nắm rõ chi phí đầu tư của khách hàng để lên phương án khả thi.
Thời điểm giãn cách xã hội “vô tình” mang tới cơ hội lớn cho chàng kiến trúc sư trẻ nhưng cũng là giai đoạn việc triển khai các khâu tư vấn, cải tạo gặp không ít khó khăn.
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, Quý thường xuyên phải tư vấn, trao đổi kế hoạch với khách hàng qua điện thoại/email; đồng thời cũng thực hiện làm việc với các cộng sự từ xa thay vì trực tiếp như trước đây. Đối với công việc thiết kế thì đây là trở ngại không hề nhỏ. Chưa kể đến là việc tìm mua các vật liệu, thiết bị… cũng ít nhiều ảnh hưởng.
“Thời điểm cao điểm nhất, mình nhận được 17 – 18 hợp đồng cải tạo, vừa thiết kế vừa thi công trong tháng. Để đảm bảo tiến độ công việc, có khi mỗi ngày chỉ dám ngủ 3-4 tiếng. Ban ngày đi khảo sát, gặp khách hàng, tối về hoàn thiện bản thiết kế, trao đổi với đơn vị thi công, cộng sự…”, Quý chia sẻ.
Có thời điểm vừa lo tiến độ công trình vừa lo tuyển nhân viên, Quý cũng gặp áp lực, cảm thấy kiệt sức. Công việc thiết kế cũng là nghề “làm dâu trăm họ”.
“Nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, các bức tường đều hư hại nặng nhưng cái khó là đó lại là tường chung. Vừa thi công mình phải vừa cố gắng hạn chế tiếng ồn, vừa phải thuyết phục, giải thích cho cả gia đình hàng xóm để họ yên tâm là việc thi công không ảnh hưởng đến ngôi nhà của họ.
Chưa kể nhiều căn nhà còn nằm trong ngõ, hẻm sâu, vận chuyển vật liệu rất khó khăn. Đôi khi kiến trúc sư như mình thêm cả phần việc vận chuyển vật liệu luôn”, Anh Quý chia sẻ.
Hiện trạng một căn nhà hơn 10 năm tuổi tại Phú Nhuận, TP HCM – tường bong tróc, mối mọt, xuất hiện nhiều vết nứt lớn, trần nhà ố vàng, hệ cầu thang thiếu an toàn… Ngôi nhà nằm trong ngõ hẻm nhỏ, sâu, rất khó vận chuyển vật liệu.
Sau 1,5 tháng thi công, ngôi nhà đã trở nên hiện đại, sang trọng hơn.
Hình ảnh hoàn toàn mới lạ sau 2 tháng cải tạo của một ngôi nhà 20 năm tuổi tại Tiền Giang.
Căn phòng bếp xập xệ được “lột xác”.
Ngôi nhà 2 tầng có diện tích 184m2 được cải tạo với chi phí 1,8 tỷ đồng (bao gồm nội thất trừ thiết bị điện tử).
Hình ảnh căn phòng 35m2 bừa bộn với vô số đồ đạc tại Tân Phú, TP Hồ Chí Minh… “lột xác” theo phong cách hiện đại sau 1 tháng.
Mỗi công trình cải tạo nhà ở của chàng kiến trúc sư trẻ đều có dấu ấn riêng, mang sự độc đáo, khác biệt. Các chi tiết nhỏ nhất, từng ngóc ngách trong nhà đều được Quý lên phương án sử dụng, trang trí hợp lý, hiệu quả.
Quý thường đưa những đường nét bo cong vào công trình khiến ngôi nhà trở nên mềm mại, sang trọng và cũng là dấu ấn riêng.
Cải tạo nhà ở là một xu hướng mang đậm dấu ấn cá nhân, là sự kết hợp ăn ý giữa người thiết kế với khách hàng, mà phần lớn khách hàng là những người trẻ, thuộc tầm trung lưu và có “gu” thẩm mỹ khá tốt.
Nhiều công trình do Anh Quý thực hiện có chi phí cải tạo lên đến hàng tỷ đồng. “Một số người có ý kiến rằng với số tiền đó thì xây mới chứ tội gì cải tạo cho lãng phí. Nhưng thực ra, chi phí để xây mới gấp 2 – 3 lần chi phí cải tạo. Việc cải tạo bản chất là giữ lại kết cấu ngôi nhà, còn nhiệm vụ của kiến trúc sư là khắc phục tình trạng xuống cấp, bố trí lại không gian sao cho hợp lý, tăng công năng sử dụng”.
Sau 6 tháng đầu năm, Anh Quý đã cải tạo hàng chục ngôi nhà trên khắp các tỉnh thành: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hà Nội… đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng từ việc “nhận nhà cũ, trả nhà mới”. Anh cũng đổi văn phòng làm việc sang một vị trí mới ở trung tâm Sài Gòn với không gian rộng, sáng tạo hơn cho các cộng sự.
“Thiết kế kiến trúc là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ nên mình vẫn đang cố gắng để làm đậm hơn dấu ấn cá nhân trong mỗi công trình; cố gắng học hỏi thêm để có những hướng đi mới hiệu quả”, Quý cho biết.
Theo Dân Trí
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có
Nguyễn Đức Thịnh
0917275566
thinhnguyen203@gmail.com