Cả nước có đến 1.325 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2020, tăng 1,36 lần so với năm 2019, mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Trong khi đó số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới năm 2020 giảm 15,5%…
Thị trường trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh dòng sản phẩm bất động sản gắn với môi trường đặc hữu
Mặc dù thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trong ngành đã và đang có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Theo Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, cả nước có đến 1.325 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 1,36 lần so với năm 2019, mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác và cũng gây tổn thất lớn, vì bất động sản có liên quan đến khoảng 35 ngành nghề của nền kinh tế và tạo nhiều việc làm cho người lao động.
NHIỀU DOANH NGHIỆP NỖ LỰC BÁM TRỤ
Trong khi đó con số thành lập mới lại giảm nhẹ. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới năm 2020 là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019. Thực trạng này được xem là thuận tự nhiên và góp phần thanh lọc thị trường bất động sản vốn được xem là phát triển hơi nóng trong thời gian qua. Những danh nghiệp trụ lại được đã chú trọng nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi với thị trường, nghiên cứu phương thức hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cũng như trong năm 2021 cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc tìm kiếm những thị trường mới ở các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, kết nối giao thông thuận lợi.
Các sàn giao dịch có tiềm lực tài chính cũng khởi động lại hoạt động với những kế hoạch kinh doanh và phương thức kinh doanh mới như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn. Đồng thời nghiên cứu rõ hơn về chủ đầu tư, sản phẩm bán cho khách hàng, pháp lý dự án để mang đến cho khách hàng của mình những sản phẩm đầu tư an toàn và tiềm năng.
Ngoài ra, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động có nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch… Bởi vậy, thị trường bất động sản trong năm 2020 nhìn chung không rơi vào trạng thái trầm lắng, “đóng băng” toàn diện mà còn phục hồi, tăng trưởng nhanh ở phân khúc nhà ở và khu công nghiệp. Qua đó giúp ngành bất động sản duy trì được tăng trưởng dương cả năm, đóng góp 4,42% GDP trong bối cảnh toàn nền kinh tế chịu tổn thương của dịch Covid-19.
Nếu tính cả các đóng góp gián tiếp của các yếu tố vốn, đất đai, vật liệu, xây dựng trong lĩnh vực bất động sản thì con số này vào khoảng 8-11% GDP. Việc đẩy mạnh hoạt động bàn giao sản phẩm, chuyển nhượng cổ phần dự án, thanh lý tài sản cùng sự trỗi dậy BĐS công nghiệp giúp một loạt doanh nghiệp bất động sản có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn trong quý IV/2020…
Theo thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản lớn đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, với số liệu kinh doanh khả quan các tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo hoặc dự kiến đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra cho năm 2020.
THỊ TRƯỜNG ĐÃ VƯỢT QUA THỜI ĐIỂM KHÓ KHĂN NHẤT
Những tín hiệu đó cho thấy, thị trường bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi. Từ đó tạo cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định. Trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại…
Hơn nữa, nhiều vướng mắc về pháp lý đang dần được tháo gỡ, nhiều chính sách hợp lý được triển khai, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ – phân khúc đang có nhu cầu cao trên thị trường. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Trước hết, đã ban hành quy chuẩn quốc gia quy định diện tích căn hộ tối thiểu khép kín là 45m2. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, bố trí các căn hộ trong các dự án xã hội nói chung, cũng như các dự án xây dựng các nhà ở khác tại đô thị. Chính phủ cũng đã bố trí 4.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người dân vay, mua nhà ở xã hội. Một số địa phương cũng đã quan tâm, đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ đất và thực hiện một số chính sách ưu đãi riêng của địa phương để phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định 100 để tạo các cơ chế chính sách đột phá hơn, thuận lợi cho doanh nghiệp để tạo các cơ hội thuận hơn cho người dân để mua được nhà ở xã hội. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để có chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá thấp có diện tích nhà ở hơn 70m2 và giá bán phù hợp.
Dưới tác động của dịch bệnh, thị trường trong thời gian tới cũng sẽ phát triển mạnh dòng sản phẩm bất động sản gắn với môi trường đặc hữu tốt cho sức khoẻ và mang tính thương mại dịch vụ cao cùng với dòng bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, với việc nhiều ngân hàng đang có xu hướng hạ lãi suất, dự kiến bài toán về vốn cho các dự án bất động sản sẽ bớt căng thẳng hơn. Từ đó không chỉ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nguồn vốn trong dân để triển khai dự án mà còn thúc đẩy giao dịch trên thị trường bất động sản ở mọi phân khúc.
Cụ thể, tại Ngân hàng VPBank, lãi suất cho vay mua nhà từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Tại BIDV từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên); Vietcombank từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu. Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại Ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu.
Với xu hướng này nhiều doanh nghiệp bất động sản bày tỏ lạc quan về tăng trưởng của thị trường trong năm 2021. Cen Land đặt mục tiêu doanh thu trong năm nay đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 89% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 355 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2020; Vinaconex đặt mục tiêu tăng trưởng 15 – 20%/năm, dự kiến lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cho năm 2021, tiến đến 2.000 tỷ đồng vào năm 2025, kế hoạch chia cổ tức 12 – 20%/năm…
“Xu thế thị trường đã thay đổi, nguồn lực trong dân đã có, thị trường bất động sản năm 2021 chắc chắn sẽ phục hồi và phát triển. Giai đoạn này, thị trường sẽ bùng nổ cả về quy mô và giá trị giao dịch và sẽ phát triển lên một tầm cao mới, vượt hơn giai đoạn trước rất nhiều”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Landora Group nhận định.
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có
Nguyễn Đức Thịnh
0917275566
thinhnguyen203@gmail.com