Có chủ trương từ năm 2008 nhưng đến nay dự án xây mới Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng vẫn án binh đất động. Hơn 14.400m2 “đất vàng” ngay trung tâm TP.HCM bỏ hoang đầy lãng phí.
Dự án đội vốn, ‘đất vàng” bỏ hoang
Toạ lạc 4 mặt tiền đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM, Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) là nơi đào tạo, tập luyện và tổ chức thi đấu một số bộ môn thể thao của Thành phố.
Đi vào hoạt động từ năm 1985, dù nhiều lần tu sửa nhưng Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã xuống cấp, hầu hết hạng mục không còn đáp ứng chức năng tổ chức thi đấu. Từ năm 2008, UBND TP.HCM đã có chủ trương về dự án xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
|
Dự án xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đến nay vẫn chưa thể triển khai. |
Đầu năm 2017, công tác tháo dỡ Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được tiến hành. Từ đó đến nay, công trình mới trên khu “đất vàng” 14.418m2 này vẫn không có dấu hiệu xây dựng, bỏ hoang đầy tiếc nuối.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng là dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TP.HCM thí điểm đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Chủ đầu tư của dự án này là Liên danh Tổng Công ty CP Đền bù giải toả và Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (Địa ốc Phát Đạt).
Thông tin về dự án này, Địa ốc Phát Đạt cho biết tổng mức đầu tư khoảng 1.953 tỷ đồng. Dự kiến khởi công vào quý 1/2018 và hoàn thành xây dựng trong 2 năm. Chủ đầu tư được hoàn vốn bằng khu đất 257 Trần Hưng Đạo, Q.1 và các khu đất có giá trị tương ứng.
Theo Sở Văn hoá và Thể thao (VH&TT) TP.HCM, đến tháng 9/2019, dự án đã được ký biên bản hoàn tất đàm phán, ký tắt thoả thuận đầu tư và dự thảo Hợp đồng BT. Nhưng trước đó, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tạm dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT.
Theo tìm hiểu, tổng vốn đầu tư ban đầu dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Khi có phương án thiết kế mới vào năm 2013, tổng mức đầu tư đã lên 1.353 tỷ đồng; chưa bao gồm chi phí thiết bị và dụng cụ thể thao. Để thanh toán cho nhà đầu tư, TP.HCM đồng ý bổ sung lô đất tại số 3 – 3bis Phan Văn Đạt, Q.1.
Năm 2016, khi UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án đội vốn lên gần 1.954 tỷ đồng. Tháng 7/2018, TP.HCM kiến nghị bổ sung thêm 3ha đất tại Trường đua Phú Thọ. Q.11 để thanh toán, tuy nhiên sau đó UBND Thành phố lại chỉ đạo tìm quỹ đất khác thay thế.
Rà soát lại pháp lý quỹ đất thanh toán
Theo ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, dự án xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã có chủ trương thực hiện từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng.
Việc chậm trễ thực hiện dự án gây khó khăn trong công tác tổ chức hoạt động và yêu cầu đào tạo, tập luyện và thi đấu các bộ môn thể thao do Sở VH&TT quản lý. Trong khi đó, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng không có cơ sở để tổ chức hoạt động, đơn vị phải thuê cơ sở khác, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao.
Vào tháng 6/2020, UBND TP.HCM giao Thường trực Ban chỉ đạo 167, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại pháp lý các cơ sở nhà, đất dự kiến thanh toán Hợp đồng BT này. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các cơ sở nhà, đất phù hợp để đưa vào quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Sở VH&TT vừa đề xuất Ban chỉ đạo 167 khẩn trương tổng hợp, báo cáo để trình Thường trực UBND TP.HCM về quỹ đất đối ứng thực hiện Hợp đồng BT xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
|
Khu “đất vàng” xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng bị bỏ hoang thời gian dài. |
Theo TS.Phạm Sanh, về bản chất, Hợp đồng BT là hình thức đầu tư rất tốt nhưng trên thực tế đã bị biến dạng, trá hình. Cách thức vận dụng đã làm sai Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như sai luôn cả những quy định hiện hành.
“Bởi làm theo hình thức Hợp đồng BT thì cũng phải đấu giá chứ không phải nhà đầu tư đưa ra một con số trên trời để thực hiện dự án rồi lấy miếng đất rẻ như bèo. Họ dùng những xảo thuật về chuyên môn, về cơ chế hay sơ hở của luật để ăn hai đầu”, TS.Phạm Sanh nói.
Về vấn đề huy động vốn tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, TS.Phạm Sanh cho rằng, điều này hoàn toàn đúng nếu hoàn thiện được khung pháp lý, khung kỹ thuật và khung tài chính. Quan trọng là bộ máy tổ chức, con người như thế nào? Chính phủ trực tiếp đứng ra thành lập các ban ra sao?
Như ở nước ngoài, địa phương không “ôm” để kêu gọi đầu tư theo hình thức BT mà giao cho Chính phủ. Họ thành lập ban tham mưu, ban quản lý dự án thuộc Chính phủ. Lợi nhuận của BT quá lớn, có dự án lên đến vài chục ngàn tỷ đồng thì hỏi sao không sinh ra tham nhũng?
“Với hình thức BT, chúng ta phải hiểu đó là của dân chứ không phải của một, hai quan chức nào. Cứ hô hào của Nhà nước nhưng ký hợp đồng BT hay BOT là anh chỉ đại diện cho dân thôi. Trước sau gì người dân cũng phải trả tiền, không bằng hình thức này thì cũng bằng hình thức khác”, TS.Phạm Sanh nhìn nhận.
Phương Anh Linh – Hồ Văn
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có
Nguyễn Đức Thịnh
0917275566
thinhnguyen203@gmail.com