Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phương án đưa ra từ đầu đến nay cho thiết kế cầu Trần Hưng Đạo là hình thức mô phỏng khiên cưỡng, pha trộn hỗn tạp với nhiều kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ…
Mới đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản góp ý kiến trúc dự án cầu Trần Hưng Đạo gửi tới UBND thành phố Hà Nội.
Liên quan đến chủ trương xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư khẳng định đây là dự án giao thông cần thiết và quan trọng bắc qua sông Hồng. Đây cũng là một trong 18 cây cầu hiện đại được xây dựng theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô – Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cầu được xây dựng sẽ góp phần vào phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời tạo cho diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội một điểm nhấn kiến trúc quan trọng.
Chính vì vậy, theo Hội kiến trúc sư Việt Nam, việc lựa chọn hình thức kiến trúc cầu cần được cân nhắc xem xét, nghiên cứu cẩn trọng, trách nhiệm bởi Hội đồng Kiến trúc gồm các chuyên gia, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm là rất cần thiết. Đồng thời cũng nên lắng nghe ý kiến nhân dân và giới chuyên môn liên quan để đi đến giải pháp thấu tình đạt lý.
Cụ thể, đối với hình thức kiến trúc Cầu Trần Hưng Đạo đang trình duyệt, Hội kiến trúc sư Việt Nam nhận định “rất không nên lặp lại phong cách kiến trúc “Đông Dương” như thuyết minh của tác giả đồ án”.
“Hơn nữa, phương án đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng, pha trộn hỗn tạp với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ… Nếu muốn khai thác giá trị kiến trúc Pháp thuộc thì chỉ nên phát triển tinh thần cốt lõi của kiến trúc đó trong Kiến trúc Cầu hiện đại. Đó là sự ổn định, đĩnh đạc, sang trọng, thanh nhã”, Hội Kiến trúc sư góp ý.
Hội cũng cho rằng kiến trúc Cầu Trần Hưng Đạo rất cần và nên mang tinh thần mới, đơn giản, thanh thoát, cần xem xét kỹ càng về tỷ lệ và kiến trúc tất cả các bộ phận hình thái như các tháp – trụ cầu, mố cầu, lan can cầu…
Đồng thời, các điểm dừng ngắm cảnh bố cục trên phần đường đi bộ của cầu cần được chú ý. Về mặt lưu thông, đây là tuyến tốc độ giao thông lớn, nên kiến trúc cầu càng cần mạch lạc, thanh giản nhằm đạt an toàn cao khi sử dụng, đồng thời tạo được dấu ấn biểu tượng.
“Vì những lý do trên, nếu vẫn bắt buộc tiếp tục phát triển theo hướng đã lựa chọn của Hội đồng tuyển chọn là phương án bố trí 2 cụm trụ, thì phải chỉnh sửa căn bản để đạt được yêu cầu: Có hình thái kiến trúc tiếp biến bản sắc Việt Nam kết hợp với hiện đại, không bị trùng lặp với các công trình cùng dạng đã có”, Hội Kiến trúc sư tiếp tục góp ý.
Lãnh đạo hội này cũng cho rằng đây là công trình công cộng rất quan trọng, điểm nhấn trong khu lõi đô thị và trên các tuyến đường chính của Hà Nội nên quy trình thực hiện cần đặt lên hàng đầu yếu tố cẩn trọng tuyệt đối, tránh hậu quả đáng tiếc, không còn cơ hội sửa chữa.
Vì vậy, không nên tiếp tục vận dụng yếu tố quá độ quy định pháp lý theo hình thức Tuyển chọn mà nên thực hiện thi tuyển kiến trúc, theo quy định của Luật Kiến trúc (Điều 17, Khoản 2).
Hội Kiến trúc sư dẫn chứng nhiều địa phương cũng đã thực hiện thi tuyển kiến trúc công trình cầu như cầu Thủ Thiêm 2 ở TPHCM; cầu đi bộ qua sông Hương ở Huế…
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP (đối tác công – tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.
Trong khi đó phương án kiến trúc xứ Đông Dương do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đề xuất. Phương án này được Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của UBND TP Hà Nội quyết định lựa chọn.
Thiết kế đưa ra đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều phản đối từ giới chuyên gia.
Cầu Trần Hưng Đạo là dự án cầu BOT đầu tiên của Hà Nội, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia 4.204 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện năm 2022-2025.
Theo: Dân Trí
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có
Nguyễn Đức Thịnh
0917275566
thinhnguyen203@gmail.com