Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 5289 về việc ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tổng rà soát, kiểm định, chia làm 4 đợt
Theo thống kê đến năm 2020, trên địa bàn TP có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ – nhiều nhất cả nước. Đến nay con số này vẫn đang được tiếp tục rà soát, cập nhật và có thể tăng lên.
Các nhà chung cư cũ này chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, quy mô thường từ 2 đến 6 tầng, ngoài ra còn có một số chung cư đơn lẻ phân bố rải rác trên địa bàn các quận trung tâm.
Theo UBND TP Hà Nội, hầu hết nhà chung cũ này đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Do vậy cần thiết phải kiểm định, đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng lại.
Tại Đề án vừa được ký ban hành, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện cải tạo chung cư cũ.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là thành phố sẽ tiến hành tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ. Thành lập Hội đồng thẩm định của UBND TP Hà Nội (dự kiến trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022) để tổ chức thẩm định, ban hành kết luận kiểm định nhà chung cư cũ; Ban hành Kế hoạch kiểm định (dự kiến trong tháng 12/2021).
Hiện nay có 401 khu chung cư được kiểm định nhưng nằm rải rác trong 45 khu chung cư và một số nhà chung cư độc lập. Vì vậy, thành phố phải thực hiện rà soát các nhà chung cư chưa kiểm định thuộc khu đã kiểm định dở dang để đưa vào kế hoạch kiểm định. Hoàn thành việc rà soát, xây dựng danh mục.
Dự kiến tiến độ thực hiện kiểm định từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021-2025, chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định tất cả các chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý III/2023.
Trong đó, ở đợt 1, ưu tiên kiểm định trước các nhà chung cư còn lại của 3 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh); Rà soát đánh giá sự phù hợp kết quả kiểm định của 401 nhà chung cư cũ so với thực tế hiện trạng và quy định hiện hành; 6 chung cư được lựa chọn triển khai ban đầu có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc; Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân); Rà soát 14 dự án đang triển khai để hoàn chỉnh công tác kiểm định theo quy định (trong đó có khu tập thể Nguyễn Công Trứ); 126/177 chung cư đã được UBND TP chấp thuận nguyên tắc tại văn bản số 4599; các chung cư cũ theo Đề án quy gom trên địa bàn Hoàn Kiếm… Tiến độ dự kiến hoàn thành trước quý II/2022.
Đợt 2: Rà soát hiện trạng các chung cư cũ đã được kiểm định và tổ chức kiểm định toàn bộ các nhà chung cư còn lại của 15 khu/nhóm chung cư cũ và tối thiểu 30% các nhóm/nhà chung cũ độc lập trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Dự kiến tiến độ hoàn thành trước quý IV/2022.
Đợt 3: Rà soát hiện trạng các chung cư đã được kiểm định và tổ chức kiểm định toàn bộ các nhà chung cư còn lại của 22 khu/nhóm chung cư cũ và tối thiểu 30% các nhóm/nhà chung cư độc lập trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Dự kiến tiến độ hoàn thành trước quý IV/2022.
Đợt 4: Kiểm định toàn bộ các nhà chung cư cũ của 29 khu/nhóm chung cư cũ và các nhóm/nhà chung cư cũ độc lập còn lại trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Dự kiến tiến độ hoàn thành trước quý III/2023.
Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025
Nhiệm vụ thứ hai được đưa ra tại Đề án, đó là lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ. Trong đó có việc ban hành Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Kế hoạch lập quy hoạch) trong tháng 12/2021.
Định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ: Lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2 ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2 ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ. Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý IV/2023.
Thứ ba là ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự kiến ban hành trong tháng 12/2021.
Nội dung Kế hoạch được thực hiện với quan điểm toàn diện, đồng bộ, có trọng điểm, bao gồm: Lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2021); nhóm dự kiến khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025; nhóm chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, dự kiến các nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án cụ thể; tạo lập quỹ nhà tái định cư tạm thời…
Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó dự kiến lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp.
Thứ tư, thành lập tổ công tác để xây dựng, trình UBND thành phố ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố. Trong đó, quy định 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm: các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Thứ năm, thành lập Hội đồng thẩm định của UBND thành phố hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí nhà ở tạm cư cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Thứ sáu, tạo lập quỹ nhà ở tạm cư, theo đó thành phố có thể sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của thành phố; đầu tư xây dựng mới quỹ nhà tạm cư hoặc mua nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tạm cư.
Thứ bảy, thực hiện các chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất…
Đồng thời với việc xây dựng các kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, UBND thành phố phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và cơ quan liên quan theo nguyên tắc “5 rõ”, có lộ trình, tiến độ triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ.
Trên cơ sở nhiệm vụ, nội dung công việc được giao tại đề án, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện. Hằng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Xây dựng trước ngày 30/11 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Theo: Dân Trí
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có
Nguyễn Đức Thịnh
0917275566
thinhnguyen203@gmail.com