Công suất phòng thấp kỷ lục, doanh thu lao dốc, nhiều chủ khách sạn phải tìm đủ cách xoay xở dòng tiền để vượt qua mùa dịch.
- Khốn khổ vì dịch kéo dài các “ông lớn” trong giới BĐS cầm cự được bao lâu?
- Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến BĐS sẵn sàng tái khởi động lại sau dịch
- Thị trường bđs cho thuê cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19
Theo báo cáo mới nhất về đầu tư khách sạn của Jones Lang LaSalle (JLL), do tác động của Covid-19, các biện pháp đóng cửa biên giới và thắt chặt đường hàng không khiến hàng loạt khách sạn tại khu vực châu Á đối mặt công suất phòng thấp chưa từng có trong lịch sử. Nhiều khách sạn lâm vào khủng hoảng tiền mặt khi doanh thu sụt giảm mạnh. Điều này khiến các chủ sở hữu phải tìm giải pháp tài chính khác nhau để tăng cường dòng tiền nhằm bù đắp chi phí.
Ông Adam Bury, Giám đốc bộ phận Tư vấn và đầu tư khách sạn JLL cho biết, việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng buộc các khách sạn phải tìm phương án huy động vốn ngắn hạn từ những đối tác có tiềm lực tài chính dồi dào.
Tại châu Á, một số thị trường khách sạn vẫn có công suất phòng đạt yêu cầu và không lỗ nhờ vào việc cung cấp cơ sở cách ly hoặc nơi lưu trú nhằm hỗ trợ các biện pháp chống dịch của Chính phủ. Bằng cách này, các khách sạn cố gắng duy trì hoạt động để có doanh thu bù vào chi phí và đạt được mức hòa vốn. Tuy nhiên, trường hợp các chủ khách sạn vay nợ để đầu tư, rất khó để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với khoản vay.
Khách sạn là ngành có tốc độ phản ứng rất nhanh với các cú sốc về nhu cầu, và cũng là ngành sẽ có sự phục hồi đầu tiên. Vì vậy, các giải pháp tài chính ngắn hạn để cải thiện nguồn thu đang được áp dụng để thu hẹp sự chênh lệnh dòng tiền cho đến khi nhu cầu về du lịch tăng trưởng trở lại.
Một khách sạn ở Khu phố Hàn Quốc tại quận 7, TP HCM ngưng hoạt động từ chiều 19/3. Ảnh: Nguyễn Nam.
Ông Adam dự báo, tình trạng căng thẳng tài chính sẽ xuất hiện khi các kênh huy động vốn truyền thống thắt chặt những điều khoản cho vay. Nhiều đơn vị khách sạn và bên cho vay đang nỗ lực hợp tác với nhau nhằm giảm thiểu khả năng vỡ nợ. Không ít chủ sở hữu phải tìm nguồn vốn mới để bình ổn hoạt động kinh doanh và giảm bớt tác động của suy thoái cho đến khi nhu cầu thị trường trở lại.
“Mối quan ngại lớn là những điểm đến phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, nơi phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách quốc tế, sẽ có sự phục hồi chậm nhất sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”, ông Adam cho biết.
Đại dịch cũng tạo ra nhiều thách thức cho thị trường vốn lưu động. Hiện các ngân hàng rất thận trọng với các khoản vay có rủi ro cao và hạn chế gia tăng tỷ lệ cho vay với các ngành bị nhiều biến động. Là kẻ săn cơ hội, các kênh cho vay không truyền thống đã sẵn sàng để hỗ trợ khách sạn trong việc tái cơ cấu hoặc ân hạn các khoản vay. Nếu thời gian ân hạn quá ngắn sẽ không đủ để giúp nhiều chủ sở hữu khách sạn xoay chuyển tình hình và có thể cần thêm vốn để bù đắp vào những khoản thiếu hụt lâu dài.
Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch cho cơ cấu vốn dự kiến của khách sạn với các quỹ nợ và bên cho vay không truyền thống. Đây là các bên cho vay có tầm nhìn dài hạn và ít chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn tạm thời của dòng tiền. Họ đưa ra quyết định cho vay dựa vào giá trị phục hồi của tài sản và các tài sản thế chấp khác.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho phép các nhà băng tái cơ cấu lại khoản vay, ân hạn thời hạn trả nợ, miễn hoặc giảm bớt các khoản lãi và phí của các khoản vay mà không bị xếp vào nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của các doanh nghiệp có dòng tiền hạn chế, hệ quả là các ngân hàng sẽ siết chặt hơn các điều kiện cho vay.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn cầm cự vì gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ngoài việc cắt giảm chi phí một cách triệt để, các chủ sở hữu khách sạn đang hướng đến giải pháp trung hạn thông qua việc tìm kiếm vốn đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu hoặc vay từ các tổ chức tín dụng với điều kiện linh hoạt hơn hoặc dài hạn hơn thông qua hợp tác đầu tư với đối tác bằng hình thức chuyển đổi cổ phần.
JLL dự báo các giải pháp mua nợ sẽ cần thiết tại Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, cũng như các điểm đến nghỉ dưỡng như Maldives. Các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã trải qua tình trạng thiếu thanh khoản, chịu lãi suất tương đối cao và phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế với khả năng phục hồi chậm sau đại dịch. Trước mắt các khách sạn và bên mua nợ có thể tái cơ cấu lại các khoản nợ trong ngắn hạn. Trong trường hợp không thuận lợi, có khả năng các tài sản nợ xấu sẽ được tung ra thị trường vào nửa cuối năm 2020.
Theo VnExpress
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có