Sau khi di dời về Khu liên cơ quan Võ Chí Công (gọi tắt là khu liên cơ) Hà Nội, đất từng là nơi đặt trụ sở của 8 sở, ngành ở Hà Nội tại các vị trí trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… vẫn đang được các sở, ngành đề xuất được giữ lại phục vụ hoạt động của những đơn vị trực thuộc. Việc sử dụng “đất vàng” ở nội đô đó ra sao vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Trụ sở Sở Xây dựng đang mọc lên khu liên cơ mới
Cuối tháng 7/2020, khu liên cơ (Xuân La, Tây Hồ) đã lần lượt đón cán bộ ở các sở, ngành về làm việc tại đây. Đầu tiên là Sở Xây dựng Hà Nội, sau đó là Sở GTVT, Sở KH&CN, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở KH&ĐT… Đến nay, chỉ còn Sở TN&MT Hà Nội đang chuẩn bị các bước cuối cùng để chuyển trụ sở về Khu liên cơ Võ Chí Công. Các sở, ngành còn lại đã hoàn thành di dời.
Tuy vậy, trụ sở nhiều cơ quan sau khi di dời lại được các đơn vị từng sử dụng trụ sở đó đề xuất được giữ lại chứ không trả lại cho thành phố để triển khai công trình công cộng như mong đợi của người dân.
Sau khi Sở Tài chính và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội dời đi, khu “đất vàng” tại 38B Hai Bà Trưng, 31B Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) đang cửa đóng then cài. Chỉ có bảo vệ hai cơ quan này ở lại trông nom tại cửa chính. Hai cơ quan này cũng đề xuất xin giữ lại trụ sở cũ để tạo điều kiện hoạt động cho một số đơn vị trực thuộc.
Tương tự, Sở KH&CN Hà Nội (5 Nguyễn Trãi, Hà Đông) là đơn vị sở hữu hàng nghìn mét vuông đất mặt đường Nguyễn Trãi. Sở này cũng đang xin phương án cải tạo để một số trung tâm trực thuộc sở chuyển về đây hoạt động.
Đặc biệt, trụ sở cũ của Sở Xây dựng Hà Nội (52 Lê Đại Hành) nhanh chóng được đập đi để xây mới. Toàn bộ khối nhà B mặt phố Vân Hồ (4 tầng), khu nhà 3 tầng mặt ngõ Bà Triệu… đều đã được đập bỏ hoàn toàn. Được biết, khu đất rộng hơn 7.000 m2 được xây Khu liên cơ quan Vân Hồ. Khu liên cơ quan Vân Hồ được xây với mục tiêu hình thành khu hành chính tập trung của thành phố, góp phần tiết kiệm quỹ đất và trụ sở làm việc, nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng trụ sở, tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giúp người dân, doanh nghiệp đến đây liên hệ, giải quyết công việc tiết kiệm thời gian.
Song song với Khu liên cơ quan Võ Chí Công, Khu liên cơ quan Vân Hồ sẽ tập hợp các sở, ngành còn lại tập trung làm việc tại đây. Dự án này sẽ được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, dự án rộng nằm trên diện tích khoảng 7.441 m2, mật độ xây dựng 50% với 6 tầng nổi, 1 tầng mái và 3 tầng hầm.
Không nên khư khư giữ đất
Theo nhiều chuyên gia, nhà đất công nơi mà sau khi di dời cơ quan, ban ngành được sắp xếp, xử lý theo các hình thức: Các bộ, ngành, đơn vị giữ lại để tiếp tục sử dụng; thu hồi, điều chuyển, chuyển nhượng đất; chuyển giao cho địa phương xử lý…
Thời gian qua, có nhiều bộ, ngành đã xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn đề xuất giữ lại khu đất đặt trụ sở cũ để xây dựng, liên kết, vì đất đó là những vị trí đắc địa. Đây là vấn đề cần quản lý khác thông qua sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới.
Đơn cử như Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất bán đấu giá tài sản dôi dư tại 262 Đội Cấn, số 2 Văn Phú, số 2A Nguyễn Trãi để xây trụ sở mới đã bị Thủ tướng Chính phủ “tuýt còi”. Mới đây, Bộ Ngoại giao dù đã có trụ sở mới được xây với kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng nhưng vẫn đề xuất giữ lại 3 khu đất trị giá tại Kim Mã. Sau đó, Bộ Tài chính cũng đã bác bỏ đề xuất này.
TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, có 2 cơ chế khác nhau quản lý trụ sở của bộ, ngành và của tỉnh, thành phố. Đối với trụ sở của các bộ, ngành Trung ương thì Hà Nội không có quyền quản lý. Hiện tại, thành phố Hà Nội đang đề nghị khi thành phố giới thiệu địa điểm để xây dựng trụ sở mới cho các bộ, ngành thì các đơn vị này chuyển giao địa điểm cũ cho thành phố để làm các công trình công cộng hoặc không gian xanh.
Riêng đối với các cơ quan của Hà Nội việc quản lý sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội. Vừa qua, các sở ngành chuyển về địa điểm mới, việc sử dụng cơ quan cũ hiện chưa có cơ chế nào khẳng định. Do đó, một số sở đề xuất xin giữ lại trụ sở cũng có căn cứ. “Quyết định có cho các sở, ngành giữ lại hay không phụ thuộc vào UBND thành phố”, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, sử dụng các trụ sở cũ của 8 đơn vị sau di dời như thế nào sẽ được Sở Tài chính và Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo thành phố quyết định trong tháng 9/2020. Trên cơ sở tổng biên chế, định mức sử dụng nơi làm việc, các sở, ngành có thể đề xuất hướng xử lý với trụ sở cũ theo các phương án: Bố trí cho các đơn vị trực thuộc sở; điều chuyển cho đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án chưa có trụ sở đến nơi đã chuyển đi; đề xuất thành phố cho bán đấu giá theo Luật Quản lý tài sản công. “Hiện tại, các sở đang đề xuất và chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo thành phố quyết định”, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết.
Theo Tiền Phong
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có
Võ Tuấn Anh
0902191519
lienhe.dongdoland@gmail.com