Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 – Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, cho biết đến ngày 19-2, 6 quận có metro số 2 đi qua đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường với 601/603 trường hợp (đạt 99,67%). Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%.
- Vinhomes Smart City thu hút khách hàng nhờ tuyến đường sắt Metro và đại lộ Thăng Long?
- 3 tuyến Metro tác động đến giá căn hộ dự án Imperia Smart City thế nào?
- Hà Nội trình Dự án metro Văn Cao – Hòa Lạc tổng kinh phí hơn 65.000 tỷ đồng.
Sạch sẽ và khang trang
Đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám những ngày giữa tháng 2-2021, ai cũng dễ dàng nhận thấy nhờ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) thuận lợi nên hiện tại, những vị trí phải nhường mặt bằng cho metro số 2 đã tinh tươm, sáng sủa hơn. Nhà cửa được xây dựng mới khang trang, hàng quán trưng bày bắt mắt, thu hút hơn trước.
Nhà dân, cơ sở kinh doanh đã ổn định trở lại và khang trang hơn sau khi bàn giao mặt bằng cho metro số 2. Ảnh: HOÀNG TRIỀU – HẢI PHONG
Nếu cuối năm 2020, đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn thuộc quận 1 còn bề bộn thì nay, các vị trí thụt sâu vào bên trong để nhường mặt bằng cho metro số 2 đã được sửa chữa “hoành tráng” hơn. Đơn cử, khoảng sân diện tích hơn 200 m2 của Nhà khách Công đoàn giờ đã được láng xi-măng để tận dụng làm bãi đậu xe cho khách ra vô, rất thông thoáng.
“Trước đây, khu vực này, nhất là đường Bùi Thị Xuân, xe cộ đậu mất trật tự nhưng từ khi Nhà khách Công đoàn có khoảng sân rộng giữ xe thì ai cũng thích vào gửi” – anh Nguyễn Văn Thành, ngụ đường Bùi Thị Xuân, nhận xét. Theo anh Thành, cũng như Nhà khách Công đoàn, hàng loạt cửa hàng gần đó đang hoàn thiện lại mặt tiền trông bắt mắt. Cửa hàng nào cũng có chỗ để xe cho khách.
Đi về phía quận 3, quận 10, hình ảnh ấn tượng nhất có lẽ là những căn nhà thụt sâu vào bên trong vừa được xây, sửa lại. “Nói thật, nếu không ảnh hưởng bởi metro số 2 thì chắc còn lâu, bộ mặt đô thị của khu vực này mới được cải thiện” – chị Nguyễn Thị Huê, buôn bán ở mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn thuộc phường 13, quận 10) nhận xét. Theo chị, đa phần nhà mặt tiền nơi đây đều cho thuê nên ít ai nghĩ đến việc sửa chữa, trang hoàng lại vì ảnh hưởng đến người thuê.
Xuôi về hướng quận Tân Bình – nơi đường Cách Mạng Tháng Tám nối với đường Trường Chinh, những căn nhà nhường đất cho metro số 2 thuộc phường 13 giờ có thể gọi là “đẹp nhất xóm”. Bà Sáu, bán quán nước gần ngã ba Trường Chinh – Trương Công Định, nói giờ nhìn khu phố này sang trọng và văn minh hơn nhờ những ngôi nhà mới xây, sửa lại.
Thiệt chút nhưng vui
Trước Tết nguyên đán 2021 khoảng 2 tháng, gia đình bà Nguyễn Kim Khánh (phường 7, quận Tân Bình) đã phá dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho dự án với diện tích 40 m2. Bà Khánh nói vài hôm nữa sẽ tìm thợ để xây lại căn nhà 1 trệt, 1 lầu cho khang trang, lúc đó tha hồ bày biện tạp hóa cho tiệm Bảy Hiền của bà, hy vọng khách đến đông hơn.
“Thực lòng mà nói, chúng tôi thấy giá trị của tuyến metro mang lại rất lớn, nhất là trong việc giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nên chúng tôi vui vẻ giao mặt bằng dù giá đền bù chỉ bằng 60% giá thị trường” – bà Khánh chia sẻ.
Gặp chúng tôi trước ngôi nhà vừa sửa xong, ông Nguyễn Văn Khênh (ngụ phường 15, quận Tân Bình) – người tiên phong bàn giao mặt bằng với diện tích khá lớn, 171 m2 cho Ban BTGPMB quận Tân Bình – vui vẻ nói ông bàn giao sớm vì hiểu được giá trị của dự án. “Dù giá bồi thường thấp hơn giá thị trường nhưng cơ bản hợp lý, các phương án được địa phương niêm yết công khai nên người dân rất hài lòng” – ông Nguyễn Văn Khênh nói nhẹ tênh. Theo ông, vì lợi ích chung thì bản thân chịu thiệt đôi chút cũng đáng, cũng vui.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc người dân nhường đất cho công trình metro số 2 dù có chịu thiệt đôi chút so với giá thị trường nhưng ai cũng hiểu và thông cảm vì việc chung. Hơn cả, cuộc sống của họ đã dần ổn định. Bà Nguyễn Thị Thanh (quận Tân Bình), cho biết cửa hàng tạp hóa của bà chỉ bị ảnh hưởng chưa đến 1 tháng sửa nhà, sau đó thì việc mua bán đã trở lại bình thường.
“Rồi đây, nhà tôi sẽ ở gần nhà ga S9 – Bà Quẹo. Tôi được cán bộ Ban BTGPMB cho xem qua phối cảnh tương lai và thấy rất đẹp. Việc kinh doanh buôn bán của tôi và bà con nơi đây sẽ thuận lợi hơn” – bà Thanh kỳ vọng.
Nhường mặt bằng kho bãi và nhà máy gần 1.000 m2 cho metro số 2, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH CN-XD Sài Gòn (quận 12), nhìn nhận: “Việc bàn giao mặt bằng sớm chừng nào sẽ tốt chừng nấy. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bà con đang mong ngóng metro số 2. Tôi mong dự án hoàn thành đúng tiến độ, tránh kéo dài như metro số 1. Chỉ cần vậy là vui rồi”.
Không lo thiếu vốn
Đáp lại kỳ vọng của người dân, ông Lê Văn Khoa cho hay đến nay, 6/10 nhà ga của metro số 2 đã có mặt bằng sạch, gồm các ga: S10 – Phạm Văn Bạch, S11 – Tân Bình (quận Tân Bình), S5 – Lê Thị Riêng (quận 10), S9 – Bà Quẹo, S10 – Phạm Văn Bạch và S11 – Tân Bình (quận Tân Phú). Ngoài ra, mặt bằng đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương cũng được bàn giao.
Về công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM thông tin từ nay đến hết tháng 6-2021, sẽ hoàn tất việc lựa chọn các nhà thầu tư vấn thiết kế di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật. “Đến thời điểm này, chỉ còn tìm kiếm nhà thầu tư vấn thiết kế di dời hệ thống thoát nước; các hạng mục khác như cáp điện, viễn thông, chiếu sáng, cấp nước… đã chọn được đơn vị tư vấn thiết kế. Sau đó, dự kiến quý III/2021 sẽ khởi công dự án” – đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP nói. Theo vị này, trước mắt, tại 6 nhà ga đã có mặt bằng sạch sẽ triển khai thi công di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, hệ thống cấp – thoát nước, điện…
Về việc đàm phán các khoản vay bổ sung, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM nhấn mạnh nguồn vốn triển khai dự án cho metro 2 vẫn bảo đảm, không thiếu vốn, chỉ thực hiện lại thủ tục vay theo quy định. “Từ nay đến năm 2021 sẽ xúc tiến ký kết các hiệp định vay bổ sung nguồn vốn cho dự án này. Riêng nguồn vốn về BTGPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật là từ vốn ngân sách TP đã được bố trí” – đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM khẳng định.
“Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú dài hơn 11 km, trong đó 9 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỉ đồng với 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và một depot tại Tham Lương.
Metro số 1 gấp rút về đích
Sáng 19-2, hệ thống cấp điện toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, các nhà thầu triển khai thi công, chuẩn bị công tác vận hành thử nghiệm các thiết bị và chạy tàu trong năm 2021.
Hạng mục này nhằm kết nối nguồn điện từ hai trạm điện 110 KV Bình Thái và Tân Cảng để cấp nguồn cho các trạm điện nhà ga. Ông Jason Fraser, Giám đốc dự án Công ty Hitachi – nhà thầu thi công, cho biết song song việc thi công cấp điện, năm 2021, phía nhà thầu cũng sẽ đẩy nhanh lắp đặt hệ thống, thiết bị cơ điện trên toàn tuyến metro. Ngoài ra, việc nhập các đoàn tàu còn lại cũng đang được công ty này gấp rút tiến hành.
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (chủ đầu tư), cho biết đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ từ việc thi công kết cấu hạ tầng sang giai đoạn chuẩn bị vận hành thử nghiệm các loại thiết bị cũng như chạy thử các đoàn tàu.
Theo ông Thanh, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn đến tiến độ thi công công trình, để vượt qua khó khăn, đơn vị của ông cùng các nhà thầu đã tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa thi công nhiều mũi vừa phòng chống dịch trên công trường”. “Chúng tôi cam kết với lãnh đạo TP HCM là sẽ phối hợp các bên tiếp tục bảo đảm tiến độ dự án cũng như chất lượng công trình” – ông nhấn mạnh.
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có
Nguyễn Đức Thịnh
0917275566
thinhnguyen203@gmail.com