Do kinh doanh mỹ phẩm online với nguồn thu nhập không ổn định, nên trong suốt 10 năm qua, anh Sơn chưa bao giờ nghĩ mình có thể sở hữu một căn hộ ở Thủ đô.
Với mức thu nhập không ổn định, dao động trong khoảng 10 – 30 triệu đồng/ tháng, nên trong suốt 10 năm qua, anh Vũ Tùng Sơn (SN 1991, Hải Phòng) chưa bao giờ có ý định sẽ mua nhà tại Hà Nội.
Trong suốt thời gian đó, anh Sơn luôn phải đi thuê trọ với chi phí hàng tháng lên tới 6 – 7 triệu đồng, bao gồm tiền: điện, nước, vệ sinh và internet. Vào những tháng hè, chi phí sinh hoạt có thể lên tới 8 – 9 triệu đồng do phải tiêu thụ nhiều thiết bị điện.
Đến cuối năm 2016, chủ nhà nơi anh Sơn thuê có ý định tăng tiền nhà lên gấp 1,5 lần. Đây như “giọt nước tràn ly” khiến anh Sơn quyết định dốc hết tiền tiết kiệm tích cóp trong nhiều năm để mua căn hộ tại Thủ đô.
“Công việc không ổn định nên thu nhập của tôi cũng bấp bênh. Vì thế, tôi luôn cố gắng chia nhỏ thu nhập thành các “giỏ” khác nhau gồm: tiền tiết kiệm, tiền sinh hoạt phí, tiền du lịch, tiền thuốc thang, tiền mua quần áo… Riêng tiền tiết kiệm tôi luôn cố định mỗi tháng là 5 triệu đồng, còn lại bao nhiêu tôi mới cân đối thu chi ra các khoản. Nhờ vậy, dù thu nhập không cao, nhưng khi quyết định mua nhà, tôi cũng để dành được khoảng hơn 500 triệu đồng”, anh Sơn nói.
Chỉ trong vòng 1 tuần, 9x Hải Phòng may mắn tìm được một căn hộ 60 m2 tại khu vực Hà Đông (Hà Nội), với mức giá chỉ 780 triệu đồng, tương đương 13 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, do mua trong đợt mở bán đầu tiên, anh Sơn được giảm 11 triệu đồng. Như vậy, sau khi nhận nhà, căn hộ chỉ có tổng giá trị vào khoảng 769 triệu đồng.
Sau khi nhận nhà, anh Sơn hiện đang cho lắp đặt nội thất.
Theo khảo sát của anh Sơn, so với nhiều dự án khác trong khu vực Hà Đông, mức giá gần 800 triệu đồng/căn là phù hợp với người có thu nhập trung bình và thấp. Ngay cả khi nhận nhà, hầu hết bạn bè, người thân của anh Sơn đều ngỡ ngàng với mức giá “rẻ giật mình” như vậy.
Anh Sơn giải thích, sở dĩ căn hộ này có giá 13 triệu đồng/m2, một phần là nằm cách xa trung tâm thành phố, hạ tầng còn chưa hoàn thiện.
Thứ hai, dự án mở bán nhiều đợt để huy động vốn, nên nếu mua trong đợt 1, giá bán sẽ rất rẻ, còn mua các đợt mở bán sau, giá bán sẽ tăng lên từ 15 – 17 triệu đồng/ m2.
Dự án chung cư giá rẻ của anh Sơn sẽ hoàn thiện trong 1 năm. Trong 1 năm đó, anh Sơn sẽ phải trả góp 5 đợt, mỗi đợt 156 triệu đồng.
Chia sẻ bí quyết mua nhà dành cho người có thu nhập không ổn định, anh Sơn cho biết: “Công việc của tôi là kinh doanh mỹ phẩm online, không có nguồn thu nhập ổn định nên rất khó làm thủ tục mua nhà trả góp. Đặc biệt là vấn đề chứng minh tài chính không thể hoàn thiện được. Vì vậy, trước khi quyết định mua, mọi người phải tiết kiệm ít nhất 50% – 70% giá trị căn hộ định mua, hoặc phải có trong tay ít nhất 500 triệu đồng thì mới nên suy nghĩ đến việc mua nhà. Phần còn lại có thể vay người thân, bạn bè có thể không mất lãi suất, hoặc lãi suất thấp hơn ngân hàng”.
“Kinh nghiệm của tôi là phải hoạch toán tài chính, tìm kiếm căn nhà trong khả năng, lên danh sách những người có thể vay mượn được. Để tránh áp lực nợ nần, mỗi người tôi chỉ vay từ 10-30 triệu đồng, để khi họ cần mình có thể dễ dàng xoay sở trả nợ ngay”, anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, căn hộ được hoàn thiện đúng tiến độ khi ký hợp đồng
Theo anh Sơn, người có ý định mua nhà có thế tìm hiểu thông tin dự án thông qua các sàn giao dịch BĐS, internet hoặc thông qua người quen giới thiệu. Tuy nhiên, không nên đặt niềm tin quá nhiều vào thông tin quảng cáo trên mạng hoặc lời tư vấn của chuyên viên bán hàng.
Thay vào đó, anh Sơn khuyên mọi người phải tự tìm hiểu thật kỹ năng lực làm việc của chủ đầu tư, thông qua các dự án đã hoàn thiện trước đó. Sau đó, tìm hiểu dự án này có được cấp sổ hồng không, tính pháp lý khi xây dựng, tiến độ hoàn thiện có đúng như cam kết hay không.
Trong trường hợp các dự án trước đó bị “treo”, giao nhà chậm tiến độ, hoặc có nhiều khiếu nại, anh Sơn khuyên mọi người nên tìm chủ đầu tư khác uy tín hơn, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
“Rất nhiều người dân khi mua chung cư đã gặp trình trạng giao nhà không đúng tiến độ, chậm tới vài năm, thậm chí có người 10 năm chưa nhận được nhà. Đây chính là rủi ro phải chấp nhận khi mua nhà trong các đợt mở bán đầu. Bù lại, giá bán trong đợt đầu sẽ rẻ hơn. Vì vậy, để hạn chế rủi ro này, tôi phải kiểm tra các dự án trước đó, chủ đầu tư có giao nhà đúng cam kết hay không và có được cấp sổ hồng hay không. Từ đó, tôi mới quyết định xuống tiền mua. Rất may là dự án nhà ở giá rẻ của tôi chủ đầu tư đã hoàn thiện đúng tiến độ”, anh Sơn nói.
Theo Dân Trí
Tin liên quan
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Nhiều người đọc
- 1 Quy trình tất toán khoản vay trước hạn dự án Vinhomes Smart City
- 2 Địa chỉ Aeon Mall Hà Đông ở đâu? có gì ăn? có gì chơi?
- 3 Phong thủy vợ chồng hay cãi nhau – Cách hóa giải giúp vợ chồng hòa thuận trong một nốt nhạc
- 4 Sơ đồ Vincom Bà Triệu khu trung tâm thương mại có gì ăn, có gì chơi?
- 5 Masteri West Heights gây bão thị trường Hà Nội nhờ 6 lợi thế riêng có